Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2012 năm nay có chủ đề: “Kinh tế Xanh: Có vai trò của Bạn”. Kinh tế Xanh được UNEP định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Một nền Kinh tế Xanh được đặc trưng bởi sự tăng trưởng bền vững của các hợp phần kinh tế có khả năng duy trì và gia tăng nguồn vốn tự nhiên của trái đất. Các hợp phần này bao gồm năng lượng tái tạo, vận tải ít phát thải cacbon, công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, dịch vụ cấp nước sạch nâng cao, tiết kiệm năng lượng, nông-lâm-ngư nghiệp bền vững.
Chủ đề năm nay cũng nhấn mạnh vai trò của chính “Bạn”, nghĩa là từng cá nhân đều là một yếu tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển bền vững của toàn xã hội. Trong nền Kinh tế Xanh, sự tăng trưởng kinh tế phải gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và sử dụng hiệu quả năng lượng và các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn tài nguyên Nước. Tài nguyên nước của Việt Nam tuy dồi dào nhưng đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa như sự đô thi hóa quá nhanh ở các khu đô thị, dân số tăng nhanh… Hiện nay, tận dụng nguồn nước mưa để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt là giải pháp hay được nhiều nhà khoa học khuyến cáo để giảm áp lực cho việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt.
Việt Nam có nguồn nước mưa dồi dào, chất lượng nước mưa vẫn khá tốt. Nguồn nước mưa vốn được sử dụng cho sinh hoạt từ xưa. Khi có nguồn nước máy, các đô thị dường như bỏ quên nguồn nước này.
Nước ta có lượng mưa khá lớn, khoảng 1976mm/năm, cao hơn rất nhiều lần lượng mưa trung bình của nhiều nước trên thế giới và châu Á. Ngày nay, do ô nhiễm và bụi bẩn khiến nước mưa, đặc biệt là ở các khu đô thị không đủ sạch để phục vụ sinh hoạt, nhưng vẫn có thể sử dụng cho các mục đích không cần chất lượng nước cao. Vì vậy chính phủ và người dân nên có kế hoạch tích trữ nước mưa để tiết kiệm nước sạch. Bên cạnh đó, nước mưa còn là nguồn nước chính để cấp bổ sung cho nguồn nước ngầm.
Đến nay, sử dụng nước mưa đã trở thành thói quen của nhiều nước trên thế giới. Tại Hàn Quốc, đã có 50 thành phố triển khai thu gom và sử dụng nước mưa, kể cả đưa quy định xây dựng bể nước mưa thành bắt buộc khi xây dựng công trình. Còn tại Nhật Bản, việc sử dụng nước mưa một cách có hiệu quả đã được Chính phủ và người dân hưởng ứng từ năm 1994 thông qua “Hội nghị về sử dụng nước mưa Quốc tế” được tổ chức tại TP Tokyo với chủ đề “Sử dụng nước mưa để cứu Trái đất- Xây dựng mối quan hệ thân thiết với nước mưa ở các TP”.
Tiết kiệm nước sạch đang là vấn đề cấp bách hiện nay đối với xã hội. Do vậy, để giảm tải áp lực cho việc khai thác nước ngầm và nước mặt, các đô thị có thể xây dựng các bể chứa nước mưa tại các công trình công cộng, văn phòng, chung cư, tòa nhà cao tầng và sử dụng cho các mục đích không yêu cần chất lượng nước cao như tưới cây, dự trữ nước chữa cháy, rửa đường, bổ sung nước cho các hồ trong TP…
Bên cạnh đó, việc thu gom nước mưa tại các đô thị sẽ có một vai trò đáng kể trong việc giảm ngập úng tại các đô thị, khi lượng nước mưa đổ về các tuyến cống thoát nước quá lớn trong cùng một thời điểm
Hiện nay, Để tận dụng nguồn tài nguyên này, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường thuộc trường Đại học Xây dựng ngiên cứu thành công công nghệ biến nước mưa thành nước uống trực tiếp, nước sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất, góp phần giảm thiểu ngập úng, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Loại nước mưa này là sản phẩm từ hệ thống thử nghiệm, thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa trong cấp nước đô thị trong khuông khổ dự án hợp tác giữa Đại học Xây dựng và Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Hàn Quốc. Bằng công nghệ sử dụng màng vi lọc (MF), quá trình xử lý đã cho ra nguồn nước đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, phục vụ tốt cho nhu cầu ăn uống.
Các chuyên gia của Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường cho biết: Nước mưa được thu gom từ mái nhà trong khuôn viên trường Đại học Xây dựng, diện tích thu gom xấp xỉ 500m2, sau đó chảy theo các đường ống dẫn vào bể chứa. Hệ thống gồm các đường ống thu và dẫn nước mưa, thiết bị tách nước mưa đợt đầu, bể chứa nước mưa, hệ thống xử lý nước mưa bằng công nghệ màng vi lọc (MF), mạng lưới đường ống phân phối nước tới các vòi uống nước trực tiếp.
Quá trình thử nghiệm trong vòng 4 tháng cho thấy các chỉ tiêu chất lượng nước như độ pH, độ đục, hàm lượng chất hữu cơ, kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh, vv… đều đạt tiêu chuẩn nước cấp cho ăn uống do Bộ Y tế ban hành (QCVN 01:2009/BYT). Mẫu nước đi kiểm tra tại Viện Y học lao động, Vệ sinh môi trường, Bộ Y tế và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn.
Còn đối với các hộ gia đình, so với nước máy, sử dụng nước mưa có giá thành thấp hơn nhiều. Đặc biệt là các vùng nông thôn, mỗi hộ gia đình có thể xây bể tích nước mưa bằng bê tông, inox, nhựa, nilong, bể ngầm hoặc bể nổi hoặc để trên ban công, sân thượng, sân vườn. Các bể chứa nước này cần phải được che đậy cẩn thận và cọ rửa thường xuyên để tránh bụi bẩn và các loại côn trùng, bọ gậy. Ngoài ra với mức sử dụng nước không nhiều, các gia đình chỉ cần sử dụng một cột vi lọc, với giá thành khoảng một triệu đồng có thể sử dụng nước mưa để ăn uống, sinh hoạt.
Tận dụng tốt nguồn nước mưa là giải pháp toàn diện cho vấn đề tài nguyên nước và môi trường. Tài nguyên nước vô cùng quan trọng đối với con người nhưng không phải là vô tận. Việc giữ gìn và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên này là nhiệm vụ sống còn không chỉ của từng cá nhân, gia đình mà còn là của toàn xã hội.
(nguồn: vnexpress, datviet)