Địa chỉ: 44 đường Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội
 Điện thoại: 19004600, 024.37 16 36 11

CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN NƯỚC SẠCH HÀ NỘI

Hanoi Water Limited Company

Tra cước hoá đơn nước :

Bước vào thế kỷ XXI, sự gia tăng dân số hiện nay đang tạo sức ép cho việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp quốc, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ vượt ngưỡng 9 tỷ người, kéo theo đó là nhu cầu lương thực tăng 70% và nhu cầu nước tăng 19%

Do sự phân bố không đồng đều, nước là loại hàng hóa có giá trị đa dạng khác nhau tùy từng khu vực. Có 9 quốc gia may mắn (Brazil, Canada, Columbia, Congo, Indonesia, Nga…) chiếm giữ 60% nước ngọt toàn thế giới. Hoa Kỳ có nước đủ dùng. Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ, với 1/3 dân số thế giới, chỉ có 10% nước.

0,75% lượng nước trên Trái Đất sử dụng được

Hầu hết bề mặt Trái đất là đại dương bao la nên nước biển chiếm 97% tổng lượng nước trên Trái đất. Dù 2,5% nước còn lại không nhiễm mặn, nhưng 70% số này là những tảng băng vĩnh cửu ở hai cực Trái đất. Vì vậy, tất cả sinh vật sống, trừ cá biển, cùng khai thác và sử dụng 0,75% nước toàn Trái đất: nước ngầm chiếm đa số; nước mưa đang rơi; nước sông, hồ, bể chứa…

Khoảng 60 năm trước, dân số thế giới chỉ là 2,5 tỷ người. Sau khi Cách mạng Xanh diễn ra (trong thập niên 1940 và thập niên 1960), nhiều giống cây trồng mới và phân bón ra đời. Hoạt động canh tác ngày càng cần nhiều nước, nông nghiệp phát triển, dân số gia tăng: Năm 2000 là 6 tỷ người, năm 2010 gần 7 tỷ và năm 2050 có lẽ sẽ vượt 9 tỷ.

Vùng thủy lợi tăng gấp đôi, lượng nước cần cho sản xuất nông nghiệp tăng gấp ba. Những quốc gia dùng nhiều nước cho nông nghiệp nhất có Mỹ (41%), Trung Quốc (70%) và Ấn Độ (90%). Tính tổng toàn thế giới, nước dùng cho sản xuất nông nghiệp là 70%.

Mặt khác, nhu cầu nước của người nông dân ngày càng tăng do phải đáp ứng những nhu cầu cao cấp của con người. Ví dụ, làm ra 1kg đậu phộng tốn nước gấp đôi so với 1kg đậu nành. Làm ra 1kg thịt bò tốn nước gấp bốn lần 1kg thịt gà. Một ly nước cam ép cần gấp 5 lần nước pha một tách trà. Vậy nên, dẫu dân số không thay đổi, thì khi 2 tỷ người trên thế giới gia nhập tầng lớp trung lưu, nhu cầu dùng nước cho nông nghiệp vẫn tăng

Bên cạnh đó, khai thác tài nguyên nước cũng là vấn đề không nhỏ. Khi nước sông, suối, hồ trên bề mặt không đủ, nông dân bắt đầu đào giếng lấy nước ngầm. Nước mưa và nước bề mặt, kết hợp với điều kiện địa chất phù hợp, sẽ tái tạo nguồn nước ngầm nhanh chóng. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ, số lượng nước lấy lên nhiều hơn nước ngấm xuống mạch ngầm. Tại Trung Quốc, Ấn Độ, người dân cần là đào giếng. Không ai có thể thống kê lượng nước hai quốc gia khai thác từ hàng triệu giếng dùng cho tưới tiêu.

Nước sinh hoạt hằng ngày tại các quốc gia giàu ngày càng tăng, vì bồn tắm lớn, vòi hoa sen mạnh và hệ thống xả nước bồn cầu hiện đại. Nửa cuối thế kỷ XX, nhu cầu nước cho sinh hoạt và công nghiệp tăng gấp bốn. Các ngành công nghiệp lấy đi 22% nước toàn thế giới. Nhiều nhất là dùng làm lạnh máy nhiệt điện, khoan, khai thác dầu, tạo sản phẩm ngành xăng dầu..

“Tái sử dụng nguồn nước”_ thêm một biện pháp sử dụng bền vững tài nguyên Nước

Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước, nhiều doanh nghiệp lớn và nhiều các quốc gia đang thực hiện các biện pháp sử dụng bền vững nguồn tài nguyên  nước.

Tập đoàn Unilever, bán nhu yếu phẩm tại 170 quốc gia toàn cầu, đã thực hiện dự án Medusa tại Brazil năm 2003: cắt giảm 8% tổng lượng nước sử dụng. Nhà sản xuất bia SABMiller cũng phát động chương trình: đến năm 2015 tiết kiệm 1/4 lượng nước sản xuất mỗi lít bia. Nestlé đặt mục tiêu là trở thành doanh nghiệp sử dụng nước tiết kiệm nhất, nên từ năm 2000, Công ty đã cắt giảm 1/3 lượng nước sử dụng, dẫu cho số lượng sản phẩm làm ra tăng 60%…

Trung bình mỗi ngày, toàn châu Á thất thoát 78,3 triệu m³ nước sạch. Tính chung, toàn châu Á mỗi năm thất thoát một lượng nước trị giá khoảng 8,6 tỷ USD. Chính vì vậy, chống thất thoát nước không chỉ để thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn để phát triển bền vững. Tiết kiệm nước là tiết kiệm tiền cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, “tái sử dụng nước” là một hướng đi đúng trong tình hình sử dụng nước hiện nay. Bởi vì, nước phục vụ mục đích sinh hoạt có thể đổ ra sông để rồi luân chuyển và được tinh lọc để tiếp tục tái sử dụng; nước phục vụ sản xuất có thể thu gom vào bể chứa để xử lý trước khi đổ ra sông hồ; nước mưa có thể phục vụ mục đích rửa đường, dự trữ làm nước cứu hỏa… Điều đó dẫn đến sự ra đời lý thuyết: “Tiết kiệm nước không có nghĩa là dùng nước cho nông nghiệp và hạn chế tắm rửa, mà tiết kiệm nước là làm sao để tái sử dụng nước nhiều lần”. Là một quốc gia phải nhập khẩu gần một nửa lượng nước ngọt, Singapore là quốc gia đi đầu trong lý thuyết “tái sử dụng nước” này.

Hiện nay, mỗi giọt nước ở Singapore được sử dụng hai lần, tương đương hiệu suất 50%, trong khi mục tiêu đặt ra là 70%. Để đạt mục tiêu này, song song với việc ứng dụng công nghệ, Singapore đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật với kế hoạch xây dựng các nhà máy quy mô lớn hơn để giảm chi phí sản xuất. Dự kiến, từ nay đến năm 2013, nước này sẽ đầu tư thêm 3,5 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất nước. Theo bài học của đảo quốc, nhiều nước trong khu vực châu Á đang có những đầu tư tương tự để đảm bảo nguồn nước cho sự sống.


  • Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội
  • Số 44 Đường Yên Phụ, Ba Đình, TP Hà Nội
  • Điện thoại: 19004600, 024.37 16 36 11