Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos đã cho thấy an ninh nước là một trong những thách thức mang tính toàn cầu phát triển nhanh nhất hiện nay. Tuy nhiên, nước lại là một nguồn tài nguyên hữu hạn. Cùng với số người thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, dân số thế giới đang ngày càng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến nhu cầu về nước ngọt ngày một tăng lên.
Thực phẩm cần phải nhiều lên, năng lượng cần phải được tạo ra nhiều hơn, các ngành công nghiệp phải sản xuất liên tục và nhiều người sẽ cần và mong đợi có nhà vệ sinh dội nước trong chính nhà của họ.Nhu cầu nước ngọt theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự kiến tăng 55% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2050. Với nhu cầu như vậy thì buộc chúng ta phải quản lý nước một cách khôn ngoan hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý nước vẫn là một vấn đề xa xỉ cho hơn 2 tỷ người trên thế giới – những người mà vẫn chưa tiếp cận được với nước sạch. Nếu không có nước sạch, bạn sẽ không thể làm dịu đi cơn khát của bạn, chuẩn bị thức ăn hay duy trì vấn đề vệ sinh cá nhân ở mức cơ bản nhất. Việc thiếu nước sạch là môi trường lý tưởng cho dịch bệnh phát triển, có thể thấy như bệnh do virus Ebola đang bùng phát ở Tây Phi. Việc thiếu nước sạch có thể làm cho trẻ em không được đến trường, hay phụ nữ không làm việc được hay ở quy mô rộng hơn, nó làm cho kinh tế và xã hội khó phát triển được.
Viện Nước quốc tế Stockhom (SIWI) sẽ luôn ủng hộ cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về nước trong các chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015. Một mục tiêu về nước cần phải giải quyết một số khía cạnh quan trọng về phát triển con người. Điều đó là cần thiết cho sức khỏe.
Ngoài 2 tỷ người chưa tiếp cận được với nước uống an toàn thì 2,5 tỷ người vẫn chưa tiếp cận được với các điều kiện vệ sinh. Theo hướng tích cực, thì mỗi đô la đầu tư cho nước và vệ sinh sẽ bằng trung bình 4 đô la lợi nhuận trong việc tăng năng suất.
Một mục tiêu riêng về nước là điều cần thiết cho tăng trưởng bền vững. Nhu cầu của ngành công nghiệp sản xuất về nước tại các quốc gia BRICS dự kiến sẽ tăng gấp 8 lần trong khoảng từ năm 2000 đến năm 2050. Sự khan hiếm nước sẽ tạo ra các nguy cơ đáng kể cho tất cả các hoạt động kinh tế. Quản lý nước yếu kém cũng gây ra các thách thức về kinh tế và xã hội nhưng nếu quản lý tốt có thể thực sự là nguồn gốc của sự thịnh vượng.
Ngành nông nghiệp cần phải có mục tiêu về nước. Hiện nay, 800 triệu người đang bị suy dinh dưỡng. Kết hợp với nhu cầu dinh dưỡng gia tăng thì dự kiến tới năm 2050, sẽ cần khoảng 60% lượng thực phẩm nữa so với năm 2005.
Làm cách nào để tạo ra nhiều lương thực hơn trong khi không phải tiêu tốn thêm nước là một thách thức lớn. Trong một tuyên bố gần đây, Giáo sư Malin Falkenmark cùng với giáo sư Johan Rockström tại Trung tâm Ứng phó Stockholm cùng với chuyên gia, nhà khoa học về nước, môi trường và ứng phó khác đã cho biết quản lý nước mưa tốt hơn nữa là chìa khóa để xóa đói, giảm nghèo.
Có thể nói một mục tiêu thiên niên kỷ về nước là cần thiết đối với ngành năng lượng. Hiện nay, ước tính có tới 1,3 tỷ người chưa được tiếp cận với điện. Hầu hết trong số họ sống ở tiểu vùng Sahara ở Châu phi. Thủy điện chiếm một phần không nhỏ trong các nguồn tạo ra điện. Trong đó, nguồn tạo ra năng lượng thủy điện là nước. Để có thể cung cấp năng lượng bền vững trên toàn cầu thì chúng ta phải quản lý tài nguyên nước một cách hiệu quả hơn. Chúng ta cũng cần một mục tiêu về nước cho khí hậu của chúng ta.
Biến đổi khí hậu trong thế kỷ 21 được dự báo sẽ làm giảm tài nguyên nước mặt và nước ngầm trong các khu vực khô hạn, cận nhiệt đới. Biến đổi khí hậu cũng được dự báo sẽ làm giảm chất lượng nước và sẽ tạo ra nguy cơ cho chất lượng nước uống.
Lũ lụt, hạn hán và gió bão là những thiên tai thường xảy ra nhất và chiếm gần 90% những cuộc tàn phá kể từ năm 1990. Quản lý nước thông minh dựa trên phương pháp tiếp cận hệ sinh thái là điều cần thiết cho việc xây dựng khả năng phục hồi và chống lại các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Nguồn tin: www.ipsnews.net